Kỹ thuật chụp phơi sáng bằng máy ảnh Canon 60D
Giúp bạn nắm được một số nguyên tắc cơ bản về cơ chế phơi sáng trong nhiếp ảnh trực tiếp trên máy ảnh Canon 60D, video ngắn sau được Mua Bán Nhanh Máy Ảnh tổng hợp và gửi đến bạn.
Tìm hiểu về phơi sáng và tam giác phơi sáng trong nhiếp ảnh
- Phơi sáng và tam giác phơi sáng là gì?
Hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số ngày nay đều được trang bị một loạt các chế độ chụp tự động mà máy ảnh sẽ quyết định tất cả các thiết lập cho bạn, bạn chỉ cần giơ máy lên ngắm và chụp. Đây là một cách tuyệt vời để bắt đầu chụp ảnh, nhưng đó không phải là mục tiêu của nhiếp ảnh, vì nó không thể hiện được khả năng sáng tạo và cảm xúc của người chụp ảnh, cho dù ảnh chụp bằng chế độ tự động cũng có nhiều bức ảnh đẹp. Tìm hiểu cách thiết lập bằng tay các thông số chụp là bước tiếp theo để bạn thực sự gia nhập thế giới nhiếp ảnh.
Theo Wikipedia, "phơi sáng là tổng lượng ánh sáng được phép lọt vào môi trường chụp ảnh trong suốt quá trình chụp một bức ảnh", trong đó môi trường chụp ảnh được hiểu là chip cảm biến trên máy ảnh kỹ thuật số hoặc các hạt hóa học màu bạc trên máy ảnh phim.
Trong nhiếp ảnh, "phơi sáng" (exposure) là một thuật ngữ được dùng để đánh giá một bức ảnh có bị thừa sáng hay thiếu sáng không. Một bức ảnh có mức phơi sáng chính xác là bức ảnh gây được cảm xúc "đẹp" với mắt người xem và chủ đề của bức ảnh được nhận ra rõ rệt. Với thực tế ánh sáng trong tự nhiên và cả ánh sáng nhân tạo đều biến đổi trong từng hoàn cảnh chụp, máy ảnh đôi khi không tính toán được mức phơi sáng phù hợp, khi đó bạn sẽ cần phải tự tay điều chỉnh để bù phơi sáng, hay bù sáng (exposure compensation).
Nhiệm vụ của bạn khi chụp ảnh là tìm ra một mức phơi sáng phù hợp với hoàn cảnh chụp. Một chủ đề được chiếu sáng bởi ánh nắng mặt trời giữa trưa trên một bãi biển sẽ sáng hơn 4000 lần so với cùng một chủ đề được chiếu sáng dưới ánh trăng. Để hỗ trợ bạn, máy ảnh cung cấp cho bạn các giá trị phơi sáng (exposure value, viết tắt là EV) dùng để đo độ sáng.
Trên các máy ảnh, 1 EV = 0 có nghĩa là hình ảnh được phơi sáng trong 1 giây ở tiêu cự f1, mỗi một nấc điều chỉnh lên xuống sẽ tăng hoặc giảm độ sáng. EV =1 sẽ tăng gấp đôi độ sáng so với EV=0, EV=3 tăng 8 lần độ sáng, EV=-2 là giảm 1/4 độ sáng…
Cứ mỗi một nấc điều chỉnh EV được gọi là một "stop". Và "stop" cũng dùng để nói về mỗi một nấc điều chỉnh trong các thiết lập của "tam giác phơi sáng". Bức ảnh ở hình bên cho bạn thấy rõ độ sáng của ảnh mỗi khi thay đổi một stop của EV.
Tam giác phơi sáng là khái niệm dùng để chỉ 3 yếu tố liên quan mật thiết đến việc phơi sáng một bức ảnh, đó là ISO (độ nhạy sáng), Shutter Speed (tốc độ màn trập), Aperture (khẩu độ, tức độ mở của ống kính). Tìm hiểu thêm về cách căn chỉnh các thông số này tại đây.
Hiểu một cách nôm na, khẩu độ là độ mở của ống kính được điều chỉnh to hoặc nhỏ để cho ánh sáng lọt vào cảm biến nhiều hay ít. Màn trập là cánh cửa cho phép ánh sáng đi vào cảm biến, cửa mở lâu hay nhanh cũng sẽ tác động đến lượng ánh sáng được phép đi vào cảm biến.
Cuối cùng, ISO vốn là thông số cho biết độ nhạy cảm với ánh sáng của phim trong máy ảnh, nhưng với máy ảnh kỹ thuật số nó dùng để chỉ lượng thông tin về ánh sáng thu thập được bởi bộ cảm biến, có thể dễ dàng điều chỉnh chỉnh bằng một bánh xe xoay. Ba thông số này có liên quan mật thiết với nhau, khi bạn điều chỉnh thông số này thì bắt buộc hai thông số kia cũng phải điều chỉnh theo, và thường là máy ảnh sẽ tự động làm việc này.
Làm thế nào để điều chỉnh chính xác được ba thông số này để cho ra một bức ảnh có độ sáng thích hợp là cả một nghệ thuật và đó chính là điều thể hiện sự sáng tạo cũng như "đẳng cấp" của mỗi nhiếp ảnh gia.
- Tam giác phơi sáng, thể hiện sự thay đổi của 3 thông số sẽ mang lại tác động lên ảnh chụp như thế nào
Để hiểu hơn về tam giác phơi sáng, bạn có thể hình dung hai hình ảnh ẩn dụ dưới đây:
Cửa sổ: Hãy tưởng tượng máy ảnh của bạn giống như một cửa sổ với những cửa chớp mở và đóng.
Khẩu độ là kích thước của cửa sổ. Nếu nó lớn hơn thì nhiều ánh sáng được lọt qua và căn phòng sáng hơn.
Tốc độ màn trập là lượng thời gian mà các cửa chớp của cửa sổ đang ở trạng thái mở. Bạn càng để mở cửa sổ bao lâu thì ánh sáng càng được tràn vào phòng bấy lâu.
Bây giờ, tưởng tượng rằng bạn đang ở trong phòng và đang đeo kính râm, đôi mắt của bạn trở nên kém nhạy với ánh sáng đi vào, giống như cảm biến nằm trong máy ảnh.
Có một số cách để tăng lượng ánh sáng trong phòng (tức bên trong máy ảnh): bạn có thể tăng thời gian cửa chớp mở cửa (giảm tốc độ màn trập, tức là màn trập mở lâu hơn), bạn có thể tăng kích thước của cửa sổ (tăng khẩu độ) hoặc bạn có thể cất cái kính râm đi (tăng ISO lớn hơn).
Tắm nắng: Một cách khác để hình dung cách thức máy ảnh thực hiện phơi sáng, đó là tưởng tượng vềcách thức mà một người muốn có một làn da rám nắng bằng cách tắm nắng.
Để có một làn da rám nắng, mọi người thường chỉ đơn giản là nằm phơi mình dưới ánh nắng. Mức độrám nắng của làn da sẽ giống như là độ nhạy ISO trong máy ảnh. Một số người sẽ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hơn những người khác, nên màu da của họ sẽ khác nhau.
Tốc độ màn trập trong phép ẩn dụ này là khoảng thời gian bạn dành ra để phơi mình dưới ánh nắng mặt trời. Càng phơi nắng lâu thì da bạn càng rám hơn, và tất nhiên nếu phơi nắng quá lâu thì có thể bị cháy da, giống như bức ảnh của bạn sẽ bị dư sáng hoặc cũng có thể gọi là "cháy" thì có quá nhiều ánh sáng.
Khẩu độ Aperture có thể xem như kem chống nắng mà bạn dùng cho làn da của bạn. Khi bạn dùng kem chống nắng ở cường độ cao và dày thì bạn giảm được lượng ánh sáng mặt trời xuyên qua làn da - và kết quả là ngay cả một người có làn da nhạy cảm cao có thể dành nhiều thời gian hơn dưới ánh nắng mặt trời (tức là giảm độ mở ống kính và bạn có thể làm chậm tốc độ màn trập và/hoặc giảm ISO).
Cả hai hình ảnh ẩn dụ về cửa sổ và tắm nắng này đều không phải là hoàn hảo nhưng đều có thể minh họa sự liên kết của tốc độ màn trập, khẩu độ và ISO trên máy ảnh kỹ thuật số của bạn.
- Sử dụng thích hợp các chế độ phơi sáng
Máy ảnh số hiện nay cung cấp cho bạn nhiều tùy chọn để thay đổi mức độ phơi sáng, bạn cần biết cách điều chỉnh tam giác phơi sáng hợp lý trong từng hoàn cảnh và đúng với ý đồ của bạn khi chụp. Lựa chọn chế độ chụp nào hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm và cả phong cách chụp ảnh của bạn.
Bạn có thể sử dụng nút điều chỉnh EV trong chế độ P (programed auto), S hoặc Tv (shutter priority) hoặc A (aperture priority). Bạn không thể điều chỉnh EV để thực hiện các bức ảnh dư sáng hoặc thiếu sáng trong chế độ M (manual, chỉnh tay hoàn toàn), bởi bạn sẽ tự kiểm soát cả tốc độ màn trập và khẩu độ, máy ảnh không tính toán gì cho bạn cả.
Program AE là chế độ phơi sáng tự động là một tính năng hữu ích thường thấy trên máy ảnh DSLR. Chế độ này khác với chế độ tự động hoàn toàn (Auto), ở chỗ nó cho phép bạn khả năng để "ghi đè" lên các quyết định của máy ảnh, nghĩa là sau khi máy ảnh đã tính toán và chọn ra các thông số chụp, bạn vẫn có thể thay đổi thiết lập phơi sáng nếu bạn không thích các thiết lập mà máy ảnh đã chọn.
Ví dụ, nếu máy ảnh của bạn đã thiết lập ở khẩu độ f8, tốc độ 1/250 giây và ISO 200, nhưng bạn muốn có một khẩu độ lớn hơn, bạn có thể sử dụng nút chỉnh phơi sáng để thay đổi các thiết lập về khẩu độ f4 tốc độ 1/1000 giây. Mức độ phơi sáng của hai thiết lập này là như nhau, nhưng hiệu quả mang lại sẽ khác nhau.
Trong chế độ ưu tiên khẩu độ, bạn chọn khẩu độ và máy ảnh của bạn sẽ tự động thiết lập tốc độ màn trập theo ISO. Bạn có thể kiểm soát tốc độ màn trập gián tiếp bằng cách thay đổi các mức ISO.
Lưu ý, độ sâu trường ảnh Depth-of-field (DOF) rất quan trọng trong nhiếp ảnh phong cảnh. Thông thường bạn sẽ muốn toàn bộ nội dung của khung hình được lấy nét, và cách tốt nhất để làm điều này là để thiết lập khẩu độ nhỏ (như f16), ISO thấp (cho chất lượng hình ảnh cao). Nếu thiết lập này có thể dẫn tới một tốc độ màn trập quá thấp và khiến máy ảnh bị rung do tay cầm, bạn có thể nâng ISO cao hơn (để có tốc độ màn trập nhanh hơn) hoặc sử dụng chân máy.
Trong máy ảnh số thường có chế độ mặc cảnh, ví dụ chế độ Landscape định sẵn để bạn lựa chọn khi chụp phong cảnh, tuy nhiên có một số lý do mà bạn nên dùng chế độ ưu tiên khẩu độ thay vì chọn chế độ Landscape:
- Bạn có thể áp dụng bù phơi sáng nếu máy ảnh chọn mức phơi sáng sai;
- Bạn có thể sử dụng các kỹ thuật lấy nét khoảng cách hyperfocal để tối đa hóa độ sâu trường ảnh. Điều này liên quan đến việc bạn phải chuyển ống kính sang chế độ lấy nét bằng tay và tập trung lấy nét vào một điểm trong ảnh có DOF tối đa. VnReview sẽ có bài viết về kỹ thuật này trong thời gian tới;
- Bạn có thể sử dụng một khẩu độ rộng để chụp cảnh quan có DOF rất hẹp.
Khi chọn chế độ ưu tiên màn trập, bạn chọn tốc độ màn trập và máy ảnh của bạn sẽ tự thiết lập khẩu độ theo ISO. Bạn có thể kiểm soát khẩu độ gián tiếp bằng cách thay đổi ISO.
Bạn nên sử dụng chế độ ưu tiên màn trập khi cầm máy ảnh bằng tay (các tình huống không mang theo chân máy). Nó sẽ cho phép bạn thiết lập một tốc độ màn trập đủ nhanh để ngăn hiện tượng rung máy, nếu cần tăng DOF thì bạn chỉ cần tăng ISO lên.
Một mẹo để học cách thiết lập tam giác phơi sáng, đó là bạn hãy đặt máy ở chế độ tự động hoàn toàn, chụp thử một vài kiểu và xem các thông số mà máy ảnh đã chọn, sau đó bạn hãy chuyển sang các chế độ chỉnh tay (có ký hiệu M, A, P, S) và thử thay đổi tăng/giảm các thông số đó để xem hiệu ứng xảy ra trên hình ảnh.
Đối với những cảnh có độ tương phản cao (ví dụ: một bức tường với cửa sổ bên ngoài, hoặc hoặc dưới bóng râm của cây vào một ngày nắng), hãy chụp tự động một kiểu và tính toán xem bạn cần tăng hay giảm phơi sáng để có bức ảnh tốt hơn. Thông thường bạn chỉ cần tăng/giảm các thông số gần với mức mà máy ảnh đã tính toán. Để có những ảnh "high-key" hoặc "low-key", hãy thử cố ý tăng hoặc giảm phơi sáng cao hoặc thấp hẳn, bạn sẽ ngạc nhiên với những hiệu ứng đạt được, mang lại những sắc thái mới cho ảnh chụp mà nếu chụp ở chế độ tự động sẽ không có được.
Tốc độ cửa trập quy định thời gian mà cảm biến được lộ ra để bắt hình ảnh. Tốc độ cửa trập được tính bằng những phần nhỏ của 1 giây. Ánh sáng của chủ đề càng tối thì thời gian mở cửa trập càng lâu để thu đủ lượng ánh sáng vào mà tạo thành được một bức ảnh đẹp. Nếu bạn cảnh chụp đêm, tốc độ cửa trập có thể kéo dài tới hàng vài giây hoặc hàng phút. Với tốc độ khác nhau, người chụp có thể thể hiện được những chuyển động khác nhau. Ví dụ, khi chụp một làn nước chảy tự nhiên hay màn mưa, tốc độ 1/30 giây sẽ cho làn nước mờ mờ, mềm mại, nhưng khi tăng tốc độ lên 1/500 giây thì làn nước sẽ bị “bắt đứng” với từng hạt nước rõ nét. Tốc độ cửa trập cao chỉ để chụp thể thao bởi nó có thể “bắt đứng” chủ đề đang chuyển động.
Độ mở rộng của các lá thép chắn sáng bên trong ống kính. Những lá thép chắn sáng này tương tự như con ngươi của mắt người, trên ống kính những lá thép xếp lớp với nhau tạo thành một vòng tròn có lỗ ở giữa ống kính, có khả năng điều chỉnh độ to nhỏ để cho phép ánh sáng đi qua nhiều hay ít. Độ mở càng to (lỗ tròn càng to), ánh sáng đi vào cảm biến càng nhiều và ngược lại. Một tấm ảnh hoàn hảo nếu lượng ánh sáng đi vào vừa đủ theo ý của người chụp.
Độ nhạy sáng được biểu thị bằng trị số ISO. Độ nhạy càng cao (số ISO cao), ánh sáng cảm biến thu được càng nhiều. Do vậy, khi một khung cảnh đủ sáng với 1 mức ISO, độ mở và tốc độ nhất định, nếu bạn tăng ISO, và để cân bằng lượng sáng, bạn phải hoặc thu hẹp độ mở, hoặc tăng tốc độ cửa trập. Thông thường ISO ở mức 50 hoặc 100 sẽ cho ảnh đẹp nhất. ISO tăng càng cao sẽ khiến ảnh càng bị hạt.
Tất cả các máy ảnh số từ Compact cho tới DSLR đều đã có các chế độ tự động điều chỉnh phơi sáng thích hợp (Auto, Program) cho hầu hết mọi điều kiện chụp ảnh. Trong một số các trường hợp đặc biệt (chụp đêm, chụp tuyết, pháo hoa, con trẻ...), máy ảnh đời mới cũng đã thiết lập sẵn cho người dùng thông qua chế độ mặc định (Scene mode) nên nói chung, người chụp ngày nay có thể không cần quá quan tâm đến các thông số độ mở, tốc độ mà vẫn có thể chụp được những bức ảnh đẹp. Nhưng những tay máy chuyên nghiệp vì nhu cầu tác nghiệp có thể tùy chỉnh qua các chế độ bán tự động như ưu tiên độ mở (Av, A) hay ưu tiên tốc độ cửa trập (Tv, S), chế độ mà máy sẽ tự điều chỉnh thông số ảnh hưởng tới phơi sáng tương ứng theo điều chỉnh của người chụp.
Chụp phơi sáng bằng chế độ bulb thì bạn nên dùng dây bấm mềm chứ không nên bấm trên máy (thế nào cũng bị rung).
Các Bước Để Có Được Những Tấm Ảnh Đẹp Với Canon EOS 60D
- Cài đặt máy Canon EOS 60D
Phím điều khiển đầu tiên mà bạn cần làm quen chính là phím điều hướng 4 chiều (Canon gọi đây là phím điều khiển đa năng), nằm ở phía bên phải mặt sau của máy. Phím này được sử dụng để điều hướng trong menu và trên màn hình.
Đảm bản rằng phím IS (ổn định hình ảnh) và AF (lấy nét tự động) trên ống kính đã được bật. Bạn có thể tắt nó khi cảm thấy không cần thiết, tuy nhiên khi chụp bằng tay thông thường bạn nên để chúng luôn luôn bật.
- Phím tắt để chụp nhanh
Trước khi đi sâu vào các tính năng mạnh mẽ nhất của 60D, hãy điểm qua một vài điểm giúp cho những người sử dụng ít kinh nghiệm làm quen với chiếc máy ảnh này.
Phím ô màu xanh: Nếu bạn là một người thích chụp ảnh một cách nhanh chóng và hạn chế nhất số cài đặt trên máy ảnh, đơn giản bạn có thể sử dụng chế độ xanh lá cây của máy. Sử dụng phím xoay bên trái phía mặt trên máy, bấm giữ nút ở giữa và quay đến ô màu xanh lá cây. Ở chế độ này chiếc máy sẽ quyết định mọi thông số như độ phơi sáng, màu sắc, điểm lấy nét một cách hoàn toàn tự động phù hợp với khung cảnh hiện tại. Chỉ việc bấm một nửa phím chụp, máy sẽ quyết định độ phơi sáng và điểm lấy nét, sau đó nhấn hẳn nút chụp xuống để chụp ảnh. Tuy nhiên sức mạnh của chiếc máy nằm ở việc bạn có thể tận dụng được nó ở mức nào khi bạn điều khiển được mọi tính năng.
Sử dụng vùng cơ bản: Phím xoay được chia làm ba khu vực: Khu vực sáng tạo – Creative Zone (điều khiển hoàn toàn bằng tay hoặc bán tự động được thiết kế cho người chụp có kinh nghiệm hơn), chế độ Xanh lá cây ở trên và khu vực cơ bản – Basic Zone. Khu vực cơ bản bao gồm các biểu tượng biểu thị cho nhiều loại cài đặt phù hợp cho các điều kiện chụp khác nhau. Xoay phím đến bất cứ biểu tượng nào ở khu vực này, máy ảnh sẽ tự động chọn cài đặt độ phơi sáng, điểm lấy nét, cân bằng màu, flash và các cài đặt khác sao cho tối ưu nhất. Hãy điểm qua các chế độ này.
Flash off (Không bật đèn flash): Chế độ tắt đèn flash thích hợp sử dụng ở những trường hợp không nên sử dụng đèn flash như trong bảo tàng hoặc các buổi hòa nhạc.
CA (Creative Auto – Chế độ sáng tạo): Kết hợp hoàn hảo chế độ tự động hoàn toàn và điều chỉnh bằng tay, cho phép người sử dụng cài đặt một số hiệu ứng hình ảnh (xóa phông, đóng băng hình ảnh, …) mà không cần phải có hiểu biết về kỹ thuật như khẩu độ hay tốc độ chụp. Ở chế độ CA, bấm nút "Q" ở mặt sau của máy, màn hình LCD sẽ hiển thị menu với các hiệu ứng và chú thích.
Chế độ chân dung, máy ảnh sẽ lựa chọn cài đặt độ phơi sáng và cân bằng màu sắc để cho ra nước da tự nhiên nhất. Máy cũng lựa chọn khẩu độ mở lớn nhất để xóa phông nền, làm nổi bật chủ thể.
Chế độ phong cảnh, ở chế độ này máy sẽ cài đặt điểm lấy nét ở vô cực. Chế độ này cực kỳ hữu ích khi đang đi tham quan và chụp qua ô cửa sổ ô tô. (Tốt nhất nên tránh chụp qua cửa kính)
Chế độ Macro là chế độ thích hợp nhất để chụp hoa hoặc phóng đại các chủ thể. Thích hợp khi sử dụng với các ống kính Macro.
Chế độ chụp hành động/thể thao, được thiết kế để đóng băng hình ảnh. Máy ảnh sẽ chọn tốc độ chụp nhanh hơn và chế độ chụp liên tục nhằm bắt được các chủ thể di chuyển nhanh. Mẹo: Ở chế độ này máy ảnh chỉ sử dụng điểm focus chính giữa, vì vậy hãy luôn giữ chủ thể ở giữa khung hình.
Chế độ chụp chân dung ban đêm kết hợp flash để làm sáng chủ thể với thông số phơi sáng phông nền chính xác. Kết hợn đèn flash và thời gian phơi sáng dài hơn, giúp cho tấm ảnh trông tự nhiên hơn. Mẹo: trong trường hợp này, thời gian phơi sáng phông nền đằng sau sẽ dài hơn bình thường, bạn nên sử dụng Tripod hoặc tì lên tường, đặt máy lên bàn.
- Cài đặt đèn Flash
Ở hầu hết các máy ảnh, bạn có thể dễ dàng cài đặt flash ở mọi chế độ ngoại trừ chế độ Xanh lá cây, chế độ này luôn luôn tự động điều chỉnh flash. Sau đây là cách cài đặt đèn flash với 60D:
- Để điều chỉnh cường độ sáng flash, bấm nút "Q". Trong màn hình thông tin, ở phía bên trái, hàng thứ hai từ dưới lên bạn sẽ thấy một biểu tượng điều chỉnh đèn flash. Chọn vào biểu tượng và bấm nút "Set", sau đó sử dụng phím xoay tròn ở ngón cái để tăng hoặc giảm cường độ flash trong khoảng 3 stops. Đây là một tính năng tuyệt vời mà người sử dụng thành thạo máy ảnh có thể dùng để cân bằng cường độ flash với ánh sáng xung quanh.
- Bạn cũng có thể bật chế độ chống mắt đỏ. Ở chế độ này flash sẽ nháy nhanh nhiều lần, và giảm hiện tượng mắt đỏ. Nếu việc flash nháy nhiều lần làm phiền bạn, bạn có thể sử dụng flash ngoài. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng thì hãy vào menu, ở thanh cài đặt có biểu tượng máy ảnh màu đỏ đầu tiên, chọn vào biểu tượng thứ hai từ dưới lên để bật chế độ này lên.
- Lấy nét và tính năng ổn định hình ảnh
Hiện tại tất cả các ống kính thương mại của Canon đều lấy nét tự đông, tuy nhiên bạn có thể tắt nó đi nếu bạn muốn lấy nét bằng tay. Nhiều ống kính của Canon còn có tính năng ổn định hình ảnh IS, giúp bạn có thể chụp khi cầm máy bằng tay trong điều kiện ánh sáng yếu mà ảnh vẫn nét.
Ưu điểm của tính năng IS đó chính là nó cho phép bạn vẫn có thể chụp bằng tay trong điều kiện ánh sáng yếu và loại bỏ sự rung động của máy ảnh. Các điều kiện khác như ống kính góc rộng hay tele, hoặc ngay cả việc tay bạn rung như thế nào cũng có thể ảnh hưởng đến tính năng IS.
- Quay phim
Canon 60D là một lựa chọn tuyệt vời để quay phim HD. Máy cài đặt mặc định quay phim ở độ phân giải 1920 x 1080, 30 khung hình/s, tuy nhiên bạn có thể cài đặt về chế độ 24 khung hình/s (fps) ở độ phân giải cao nhất, hoặc 60fps ở độ phân giải 720 hoặc 650p. Để quay phim, xoay phim chọn đến biểu tượng máy quay. Ở chế độ này, kính ngắm quang học sẽ được che lại và hình ảnh sẽ được hiển thị trên màn hình LCD. Sử dụng phím "Q" để truy cập các cài đặt trên màn hình, thay đổi cân bằng màu sắc, chế độ lấy nét và độ phân giải.
Để bắt đầu quay, bấm nút có chấm màu đỏ ở bên phải của kính ngắm. Một chấm màu đỏ sẽ xuất hiện trên màn hình cho bạn biết máy đang quay. Bấm lại nút đỏ để dừng quay. Để thay đổi cài đặt quay phim, hãy xem phần tùy chọn phía dưới.
- Các tính năng điều khiển nâng cấp làm được gì?
Hãy điểm qua các đặc điểm của Canon 60D, bắt đầu từ phía bên trái mặt trên của máy. Phím xoay lớn được dùng để chọn các chế độ. Nhấn giữ phím ở giữa để có thể quay - chọn các chế độ cài đặt, Tv (chế độ ưu tiên tốc độ), Av (chế độ ưu tiên khẩu độ), Manual (chế độ điều chỉnh bằng tay), chế độ Bulb (nhấn giữ và thả phím chụp để đóng màn trập) và các chế độ cài đặt tùy chỉnh trước. Phím nguồn nằm ở dưới phím xoay chọn chế độ, hãy luôn đảm bảo bạn đã tắt nguồn khi không sử dụng, vì pin tiêu hao khá nhanh, ngay cả khi máy không hoạt động.
Đế gắn ở đầu máy ảnh có thể lắp đặt đèn flash rời hoặc lắp micro ghi âm rời, giúp đem lại âm thanh tốt hơn khi quay video. Ở phía bên phải là màn hình LED và 5 nút bấm, từ trái sang phải là nút điều chỉnh chế độ lấy nét (lấy nét điểm, lấy nét liên tục,…); tiếp theo là nút điều chỉnh tốc độ chụp (chụp từng tấm, chụp liên tiếp, chụp hẹn giờ; nút ở giữa là nút điều chỉnh ISO, chế độ đo sáng (đo sáng điểm, trung bình và đo sáng tâm); và một nút bật đèn màn hình để xem trong điều kiện thiếu sáng. Ở mặt sau của máy là một phím xoay to, dùng để điều khiển tốc độ chụp trong chế độ “M”, hoặc cũng có thể dùng để điều hướng trong menu, và mặt trước của máy là nút chụp.
Mặt sau của máy: mặt sau của máy có một màn hình LCD lớn có khả năng xoay 280 độ, có thể dùng để xem hình ảnh từ góc cao hoặc thấp thông qua chế độ Live View. Ở phía trên bên trái màn hình là nút xóa, bên cạnh đó là nút Menu và nút Info. Nút Info cho phép hiển thị các thông tin về độ phơi sáng và các cài đặt chính của máy, tùy theo bạn đang ở trong chế độ chụp ảnh hay xem lại. Phím “Q” cho phép bạn truy cập nhanh đến các cài đặt chính của máy, giúp tiết kiệm thời gian. Màn hình thông tin sẽ hiện ra, hiển thị các chế độ phơi sáng, tốc độ chụp, khẩu độ, ISO, độ bù sáng, chế độ đo sáng, điều khiển các tính năng điện tử của máy, điều khiển cường độ ánh sáng flash, chế độ màu, cân bằng trắng, cài đặt lấy nét, điểm lấy nét, loại định dạng ảnh.
Để điều hướng trên màn hình menu, bạn có thể sử dụng phím điều hướng bốn chiều hoặc phím xoay lớn và con quay bên cạnh nút chụp. Bên cạnh kính ngắm có một nút in hình một chiếc máy ảnh màu trắng, đây chính là nút kích hoạt tính năng Live View cho phép bạn xem trực tiếp hình ảnh trên màn hình LCD, khi ở chế độ quay video, nút này được sử dụng để bắt đầu quay. Ở phía trên bên phải mặt sau có ba nút, đầu tiên là nút AF-on dùng để kích hoạt tính năng lấy nét tự động, bên cạnh đó là nút phóng to thu nhỏ khi xem lại ảnh, hai nút này cũng được sử dụng với công dụng khóa AE-FE và chọn điểm lấy nét khi ở chế độ chụp.
- Phím lấy nét tự động/bằng tay và phím bật chế độ chống rung có thể tìm thấy trên thân ống kính.
Mở nút bị cao su ở phía bên trái máy để sử dụng các cổng kết nối micro, HDMI và A/V, cũng như cổng USB để kết nối với máy tính. Cửa tháo lắp pin và lỗ lắp đặt với chân máy được đặt dưới đế máy, phía bên phải là khe cắm thẻ SD.
- Chế độ cài đặt bằng tay: Làm chủ chiếc máy ảnh của bạn
Tính năng tùy chỉnh trước (C:Fn): Có một vài cài đặt mặc định trước mà bạn có thể thay đổi, bao gồm thay đổi độ bù sáng (1/3 hoặc ½ stop), ISO, độ phơi sáng và flash, khử nhiễu, lấy nét tự động và thay đổi chức năng một vài phím bấm. Để làm được điều này, bấm phím Menu, sau đó điều hướng đến phím custom setting.
Cài đặt Menu riêng: Bạn có thể lựa chọn các tính năng và cài đặt được hiển thị ở Menu riêng. Xóa những tính năng không cần thiết và chỉ để lại những tính năng bạn thường xuyên sử dụng. Menu riêng giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn.
- Sáu tùy chỉnh quan trọng
- Chất lượng ảnh: Phần lớn người sử dụng sẽ cài đặt định dạng ảnh phân giải cao JPEGs 18mp, tuy nhiên những người dùng cao cấp hơn sẽ chọn chụp ở định dạng RAW hoặc RAW + JPEGs để có được hình ảnh tùy chỉnh tốt hơn và linh hoạt hơn.
- Âm báo: Âm thanh “Bíp” sẽ xác nhận điểm lấy nét hoặc sẽ báo cho bạn biết rằng có tính năng nào đó không hoạt động. Nếu nó làm bạn phân tâm hãy tắt nó đi.
- Xem lại hình ảnh: Bạn có thể xem lại hình vừa chụp ngay lập tức thông qua màn hình LCD. 2 giây (cài đặt mặc định) để xem lại hình là vừa đủ. Xem lại hình lâu hơn có thể làm tiêu tốn pin nhanh hơn.
- ISO – độ nhạy sáng: Cài đặt ISO mặc định thường được đặt tự động, cài đặt tự động khi sử dụng chụp nhanh là hợp lý nhất, tuy nhiên những người chụp kinh nghiệm hơn sẽ muốn kiển soát ISO, vì đặt ISO cao thường làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh.
- Đồ thị ánh sáng: Bạn có thể dễ dàng quyết định ánh sáng tấm ảnh của mình khi sử dụng biểu đồ điện tử được tích hợp trong 60D. Bạn có thể tìm thấy tính năng này ở menu khi bấm phim “Q”.
- Lựa chọn lấy nét: Bạn có thể để máy ảnh tự lựa chọn điểm lấy nét hoặc tự chọn điểm, vùng lấy nét. Tính năng này rất hữu ích khi bạn chụp các vật thể không nằm ở trung tâm bức ảnh.
Bạn có biết…
...Bạn có thể giảm hiện tượng viền đen tùy theo từng loại ống kính được lắp đặt? Hãy kích hoạt tính năng “Peripheral illumination correction” trong Menu.
..Bạn có thể điều khiển không dây nhiều đèn flash Canon cùng một lúc? Bạn có thể vẽ ánh sáng nhờ tùy chọn đầu tiên trong Menu, mục “Flash Control,” “Built-in flash function setting,” sau đó chọn mục “Wireless function”.
Kinh nghiệm chụp ảnh phơi sáng
Có 3 yếu tố ảnh hưởng tới phơi sáng, hay nói cách khác là ảnh hưởng tới ánh sáng tạo nên bức ảnh, đó là tốc độ cửa trập (shutter speed), độ mở ống kính (aperture) và độ nhạy sáng (ISO). Trong quá trình ánh sáng tiếp xúc với vật liệu nhạy sáng như phim hoặc mặt cảm biến trong máy ảnh kỹ thuật số sẽ quyết định đến một tấm ảnh.
Quá trình phơi sáng phụ thuộc vào thời gian trập và khẩu độ của ống kính. Thời gian trập (hay được gọi là tốc độ chập) là khoảng thời gian mà màn chập của máy ảnh mở cho ánh sáng đi vào mặt film hay sensor (cảm biến). Khẩu độ là độ mở lớn hoặc nhỏ của màn chắn trong ống kính để điều chỉnh lượng ánh sáng đi qua vào mặt sensor máy ảnh.
Vì vậy, nếu độ mở ống kính mở càng lớn (ánh sáng vào nhiều hơn) thì tốc độ cửa trập phải càng nhanh để cân bằng lượng ánh sáng vào cảm biến. Ngược lại, nếu tốc độ cửa trập càng chậm (thời gian để cho ánh sáng vào cảm biến lâu hơn) thì độ mở càng phải hẹp lại để luôn duy trì một lượng ánh sáng vừa đủ.
Lưu ý một điều là độ mở lớn được biểu thị bằng con số nhỏ, còn độ mở nhỏ lại được biểu thị bằng con số lớn. Ví dụ độ mở lớn nhất sẽ được ghi là f/2 hoặc f/2,8, trong khi độ mở nhỏ hơn sẽ là f/8, f/11. Ngoài việc điều chỉnh lượng ánh sáng đi qua ống kính, độ mở còn ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh (depth of field) hay khoảng rõ nét. Độ mở càng nhỏ (f/16 chẳng hạn) khoảng rõ nét càng lớn (tất cả mọi thứ trong ảnh, tiền cảnh hay hậu cảnh đều rõ nét) và ngược lại.
Thực tế là ở chế độ tự động, khi chụp đêm máy ảnh sẽ căn cứ chủ yếu vào tốc độ cửa trập thay vì các yếu tố tác động đến sự phơi sáng khác. Vấn đề ở chỗ, hầu hết máy ảnh đều tính toán không đúng thời gian cần thiết mà tốc độ cửa trập cần có để thu được ánh sáng tạo nên một bức ảnh được gọi là đẹp. Lý do chính là cảm biến đo sáng máy ảnh hoạt động về đêm (ánh sáng rất yếu) không được chính xác và hiệu quả như ban ngày. Vì thế, những bức ảnh chụp đêm bằng chế độ tự động phần lớn là thiếu sáng.
Sau đây hướng dẫn các bạn một số kinh nghiệm chụp phơi, các bạn hãy thử dần và rút ra kinh nghiệm, tuyệt đối không phải lúc nào cũng cứ chụp rập khuôn mà phải tùy biến theo từng hoàn cảnh nhé các bạn.
1) Gắn máy ảnh trên tripod
2) Chỉnh ISO = 100 hoặc 200 là cùng
3) Vặn chế độ chụp về S hoặc M (M thì chủ động hơn. S thì chỉ chọn được thời gian chụp)
4) Chọn chế độ đo sáng Matrix (sau này thành thạo rồi thì bạn có thể dùng các chế độ đo sáng khác như Center Weighted hoặc Spot)
5) Chụp bằng dây bấm mềm hoặc đặt máy ở chế độ chụp hẹn giờ (tức là bấm nút chụp rồi nhả ra, đợi chừng 10 giây máy mới chụp). Như thế đảm bảo máy không bị rung do thao tác của tay
6) Đặt tốc độ và khẩu chụp, ví dụ tốc độ chụp = 30 giây, khẩu độ = f13 (bạn tùy ánh sáng thế nào mà vặn)… Khẩu độ có thể khép từ F11đến 22 để làm tia sáng tỏa ra từ những điểm ánh sáng cố định
7) Căn khung hình
8) Bấm nút chụp và nhả. Máy sẽ đợi 10 giây rồi bắt đầu phơi sáng
9) Đợi máy phơi sáng xong rồi xem lại ảnh.
Chú ý: Trong thời gian máy phơi sáng, đừng đụng vào máy hay tripod. Thậm chí phải tránh cả gió nữa (gió mạnh cũng làm rung máy)
Chế ngự sự phơi sáng của ảnh
Sử dụng sáng tạo chế độ Metering trong máy ảnh DSLR sẽ mang lại những điểm nhấn đầy cảm xúc cho hình chụp.
Khi mới bắt đầu, người chụp phải luyện ghi hình đúng sáng để độ phơi sáng (exposure) thật chính xác, giúp ảnh không bị tối hay “cháy”.
Tới lúc muốn tay nghề cao hơn, bạn có thể dùng chế độ metering (đo sáng) ngay trong máy để tạo nên những cách phơi sáng khác nhau mà các tính năng tự động không thể làm được.
Nhiều người vẫn dựa vào các tính năng tự động đo sáng đa mẫu (Multi-Pattern) bởi nó thể hiện chi tiết rất tốt, ngay trong phần sáng và phần bóng tối. Nhưng cách đo sáng đa mẫu trên máy ảnh số DSLR chỉ hàm ý nắm bắt càng nhiều chi tiết càng tốt trong dải sáng của máy.
Chế độ Metering là câu trả lời cho những trường hợp người chụp muốn nhấn mạnh đối tượng trong khung hình. Nếu muốn chi tiết trên toàn bộ khung cảnh, hãy dùng chế độ Multi-Pattern. Nếu muốn nhấn nhá một nét, hãy tìm đến Spot Metering.
Nếu bạn nghiên cứu kỹ những thông tin trên thì việc chụp được một tấm ảnh phơi sáng với chiếc máy ảnh Canon 60D hay những chiếc máy ảnh kỹ thuật số khác sẽ không còn khó khăn nữa. Chúc bạn thành công.
Mua bán Máy ảnh Canon 60D ở đâu?
Mua bán Máy ảnh Canon 60D tại MuaBanNhanh.com. Xem ngay:Canon 60D
Nguồn: http://muabannhanhmayanh.com/ky-thuat-chup-phoi-sang-bang-may-anh-canon-60d/43882
Đăng bởi Võ Thiện By Tags: Các Bước Để Có Được Những Tấm Ảnh Đ, Canon, Canon 60D, Kỹ thuật chụp ảnh bằng máy ảnh canon 60D, Kỹ thuật chụp phơi sáng, máy ảnh, Máy ảnh Canon, Máy ảnh Canon 60D, máy ảnh độc, Những nét mới ở Canon EOS 60D, Thông tin Canon EOS 60D, Tìm hiểu về phơi sáng